Sinh viên nữ thuộc khoa điện – điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ thực hành – Ảnh: NHƯ HÙNG
Quan niệm chưa chính xác và thiếu thông tin về ngành nghề là rào cản chính của thực trạng này.
Chỉ 1%
Nhiều năm qua, để khuyến khích nữ sinh theo học những ngành kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã cấp nhiều học bổng cho các sinh viên nữ. Năm học 2021 – 2022, trường sẽ trao học bổng 50% cho học kỳ 1 năm đầu tiên với sinh viên nữ thuộc 10 ngành như: công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật công nghiệp, kỹ nghệ gỗ và nội thất…
Mức giảm 25% cũng được áp dụng cho các bạn nữ vào 6 ngành khác như: công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, năng lượng tái tạo, quản lý xây dựng… Ở các học kỳ kế tiếp, trường sẽ duyệt học bổng dựa vào kết quả học tập.
Những ưu đãi cho sinh viên nữ theo đuổi các ngành kỹ thuật là xu hướng ở nhiều trường ĐH, CĐ. Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) thành lập quỹ khuyến học dành riêng cho nữ sinh, theo đó các bạn nữ theo khối ngành kỹ thuật được nhận học bổng tương đương 30% học phí.
Tại Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi (Đồng Nai), nữ sinh tham gia hai nghề mới là công nghệ cơ khí sưởi ấm và điều hòa không khí và nghề công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà sẽ được miễn 100% học phí.
Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM), TS Trương Quang Trung – phó hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ với những ngành “nặng” như: ôtô, cơ khí, điện lạnh… sinh viên nữ được giảm 50% kinh phí đào tạo, trong khi đó các ngành như: điện – điện tử, điện tử – viễn thông… cũng giảm 25% học phí trong các năm học.
Nhiều công ty đối tác của trường cũng tham gia hỗ trợ nữ sinh. Chẳng hạn, một công ty đa quốc gia đang hoạt động tại TP.HCM thường xuyên trao tặng các suất học bổng học tiếng Anh chuyên ngành cho các bạn nữ sinh “dân” kỹ thuật.
Đó là chưa kể những học bổng từ các tổ chức quốc tế. Điển hình, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và nhiều trường CĐ, trung cấp ở TP.HCM đang tham gia chương trình học bổng Nữ sinh kỹ thuật HEEAP.
Đây là một phần trong dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), ĐH bang Arizona (Mỹ) phối hợp cùng một số tập đoàn triển khai nhiều năm qua, nhằm gia tăng số lượng sinh viên nữ theo học các ngành kỹ thuật ở Việt Nam. Dù có tăng, theo TS Trương Quang Trung, số lượng nữ sinh học kỹ thuật tại trường vẫn khiêm tốn. Ước tính con số này chỉ hơn 100 bạn, chiếm khoảng 1% tổng số sinh viên.
Tương tự, TS Trần Kim Tuyền – hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM – chia sẻ một số đơn vị đã đồng hành với trường nhiều năm qua tài trợ học bổng cho nữ sinh các ngành cơ khí và kỹ thuật ôtô. Thế nhưng, số nữ sinh chưa nhiều, chỉ khoảng 4-6 bạn, có khi chỉ 1-2 bạn mỗi ngành.
Cơ hội nghề nghiệp gấp “n” lần
Theo TS Trương Quang Trung, các doanh nghiệp ngày nay, đặc biệt là những công ty đa quốc gia, thường rất chú trọng các vấn đề cân bằng giới tính trong các tổ chức. Khi tỉ lệ này được cân đối, môi trường làm việc sẽ tốt và đạt hiệu quả cao hơn. Vì vậy, các nữ sinh ngành kỹ thuật khi đi thực tập đều được các doanh nghiệp ngắm ngía và “đặt hàng” ở lại.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – chia sẻ nhiều người có cái nhìn chưa đầy đủ về khối ngành kỹ thuật khi thường cho rằng đây là những ngành tốn nhiều sức lực chân tay, không hợp với con gái.
Tuy nhiên, các dây chuyền ngày nay lại không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh, thay vào đó lại đề cao sự cẩn thận và tỉ mỉ. Chẳng hạn, trong ngành ôtô, sinh viên nữ ra trường có thể được các công ty định hướng trở thành cố vấn kỹ thuật, tư vấn viên, hoặc vận hành các công đoạn dùng phần mềm, điều khiển máy móc…
TS Trần Kim Tuyền cho rằng cơ hội việc làm với sinh viên nữ tốt nghiệp cùng ngành kỹ thuật với nam giới là nhiều hơn gấp “n” lần. Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng nghề của ứng viên không hẳn ở sức mạnh, mà vào sự khéo léo, tinh nhạy, thậm chí ở các kỹ năng mềm như khả năng ứng xử, giao tiếp… Những đặc điểm này vốn là lợi thế của phái nữ.
Xem thêm: Ngành kĩ thuật là gì?
Đẩy mạnh truyền thông
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, bên cạnh chuyện cấp học bổng, hoạt động truyền thông ở các trường cần được đẩy mạnh nếu muốn thu hút thêm sinh viên nữ vào các ngành kỹ thuật. Truyền thông ở đây là để giảm bớt những lầm tưởng không đáng có của học sinh.
Ông kể, trong những chuyến tư vấn tuyển sinh, nữ sinh các nơi thường băn khoăn trước những định kiến của gia đình, thầy cô khi con gái theo các ngành kỹ thuật. Theo ông, trước hết những suy nghĩ này cần được cởi bỏ để giúp các bạn nữ mạnh dạn lựa chọn theo các ngành kỹ thuật trong tương lai.
Quyết định trên sở trường và đam mê
TS Phạm Đức Khiêm, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật TP.HCM, cho biết nếu các học sinh nữ đang cân nhắc theo đuổi các ngành kỹ thuật, thì nên đánh giá dựa trên sở trường và sở thích của mình. Một hướng đi dù “xuôi dòng” hay “ngược dòng” cũng chỉ đem lại thành công khi phù hợp với năng lực và đam mê của mỗi người. Nếu không, các bạn nữ rất chán nản nửa chừng.
Vì vậy năm nay, trường cho làm rất nhiều video về các ngành nghề đào tạo, ghi lại quá trình từ khi sinh viên vào trường đến lúc thực tập, ra trường làm việc… để các thí sinh, trong đó có phái nữ, có cái nhìn tổng quát để cân nhắc xem ngành kỹ thuật có thực sự phù hợp với mình hay không.