Học sinh tìm hiểu thông tin tại gian tư vấn của Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 – Ảnh: NHƯ HÙNG
“Nhìn chung năm nay các quy định thi và tuyển sinh hầu như không có gì khác biệt lớn so với các năm gần đây. Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định kỳ thi và tuyển sinh sẽ được giữ ổn định cơ bản đến năm 2020, những thay đổi nhỏ qua các năm chỉ để khắc phục những bất cập nhỏ làm kỳ thi, tuyển sinh ngày càng hoàn thiện hơn. Do đó các em hãy yên tâm”, bà Phụng nhấn mạnh.
Cuối tháng 1-2019 sẽ công bố dự thảo quy chế
Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, tuần sau Bộ GD-ĐT sẽ công bố dự thảo sửa đổi quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2019 để lấy ý kiến các đối tượng liên quan. Các em học sinh cũng có thể góp ý cho ban soạn thảo quy chế.
Cuối tháng 2-2019, Bộ GD-ĐT sẽ công bố quy chế chính thức dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi.
Cuối tháng 3-2019, các trường sẽ công bố chính thức đề án tuyển sinh của trường mình. Khoảng từ ngày 1 đến 20-4, các em sẽ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển với cách tương tự như năm ngoái. Sau khi có kết quả thi nếu các em có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp. Lịch xét tuyển của các trường hầu như không có gì thay đổi.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT tư vấn cho học sinh – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
“Các em cứ bình tĩnh, tự tin tích lũy kiến thức thật tốt để chuẩn bị cho kỳ thi, đồng thời tham khảo các thông tin chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực sở trường, đam mê của mình”, bà Phụng khuyên.
Cũng theo bà Phụng, những dự kiến dự thảo quy chế thi liên quan đến học sinh với các nội dung đáng chú ý:
Thí sinh tự do, hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên được xếp ngồi chung với học sinh THPT, không bố trí thi riêng như năm trước.
Năm nay, sau khi phúc khảo có thay đổi kết quả thi, hội đồng thi sẽ cấp thông báo mới và thu lại thông báo kết quả thi ban đầu.
Học sinh giáo dục thường xuyên có bằng trung cấp nghề hoặc chứng chỉ nghề nghiệp sẽ được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia căn cứ theo xếp hạng của bằng cấp này. Nếu xếp loại giỏi được cộng 2 điểm, khá cộng 1,5 điểm và trung bình cộng 1 điểm.
“Như vậy đối với đa số các em quy chế không có gì thay đổi so với năm trước”, bà Phụng khẳng định.
Học sinh lắng nghe tư vấn của các chuyên gia – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Quy chế tuyển sinh có vài thay đổi nhỏ
Về quy chế tuyển sinh đại học, bà Phụng cho biết khi đăng ký xét tuyển cùng đăng ký dự thi, các em vẫn được đăng ký chọn ngành, chọn trường, chọn tổ hợp không hạn chế nguyện vọng.
Thay đổi quy chế, năm nay thí sinh là quân nhân trong quân đội, công an có chút thay đổi về đối tượng ưu tiên. Quân nhân dự thi nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực sẽ hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn.
Nếu các em đăng ký xét tuyển ngành nghề nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề (bác sĩ, dược sĩ…) Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng chất lượng đầu vào giống ngành sư phạm năm 2018.
Trong đó, đối với thí sinh xét tuyển điểm thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT tham khảo hội đồng tư vấn để xác định điểm sàn sau khi có kết quả thi.
Đối với hình thức xét tuyển theo học bạ, mức sàn được quy định ngay trong quy chế tuyển sinh. Dự kiến, nếu đăng ký trình độ đại học lĩnh vực sức khỏe người tốt nghiệp THPT loại giỏi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn đang lấy ý kiến chưa có quyết định chính thức về việc này.
“Hiện nay một số báo chí đưa tin phải có học lực giỏi mới được đăng ký nhóm ngành khoa học sức khỏe là chưa chính xác. Học lực giỏi lớp 12 mới được xét tuyển theo hình thức xét học bạ. Nếu không đạt loại giỏi vẫn có thể đăng ký xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Các em đừng quá lo lắng”, bà Phụng nói.
Nhiều cơ hội việc làm khối ngành kỹ thuật
Học sinh Trần Hoàng Bảo, Trường THPT Thành Nhân đặt câu hỏi cho ban tư vấn – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đại diện Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết đến năm 2023, nhu cầu nhân lực ngành cơ điện tử tăng gấp 8 lần, công nghệ ôtô tăng 7,5 lần, nghề hàn tăng 8 lần…
Tại khu vực tư vấn các ngành khoa học tự nhiên, điện-điện tử, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, xây dựng, nông lâm… ông Đào Văn Tiến – vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: Hiện tại, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang cần rất nhiều nhân lực kỹ thuật, từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đại học.
Theo khảo sát thông kê hàng quý, đến năm 2023, nhu cầu nhân lực của các ngành kỹ thuật có chiều hướng tăng mạnh mẽ, chẳng hạn: cơ điện tử tăng gấp 8 lần, công nghệ ôtô tăng 7,5 lần, nghề hàn tăng gấp 8 lần…
Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, đặc biệt là các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ…Các tỉnh này đang theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến.
Song song với nhu cầu nhân lực trong nước, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang cần nhân lực kỹ thuật vì nhân lực các nước này đang cực kỳ thiếu.
Vừa qua, tổng cục đã đồng hành với các tập đoàn nước ngoài cùng các trường tuyển sinh các nghề kỹ thuật để đưa chương trình ngoại ngữ và giảng dạy ngay từ năm nhất và các tập đoàn cam kết với các trường về thực tập và làm việc tại nước ngoài, kết hợp đào tạo với xuất khẩu lao động ở nước ngoài, gắn tuyển sinh đầu vào với tuyển dụng đầu ra. Quan trọng nhất khi xuất khẩu lao động là học tập công nghệ nước ngoài về áp dụng cho Việt Nam.
Học sinh các trường THPT dự ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 sáng 20-1 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều người theo học có ảnh hưởng đến nhu cầu nhân lực sau này?
Bùi Thị Ngọc Bích đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn, Đồng Nai băn khoăn: “Em nghe nói gần đây nhóm ngành nông lâm, đặc biệt là thú ý đang có nhu cầu nhân lực rất cao. Người học ra trường là có việc làm ngay. Vì vậy, em thắc mắc, hiện nay khi quá nhiều người đổ xô vào ngành thú y thì có ảnh hưởng gì đến nhu cầu tuyển dụng sau này không ạ?”.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: “Ngành thú y giống như ngành y, nhưng khác đối tượng, thay vì chữa bệnh cho con người ta chữa cho động vật, tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đào tạo sinh viên ngành này trong 5 năm.
Hiện nay nhu cầu việc làm lớn do hình thành các bệnh viện thú y, phòng mạch thú cưng, và nhu cầu nhân lực lớn từ ngành hải quan, kiểm dịch… Ngoài ra, những ngành về nông học cũng tăng cao về nhu cầu do nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành.
Theo hướng phát triển như vậy, trong vài năm tới, nhu cầu nhân lực của ngành nông lâm, thú y vẫn rất cao”.
Làm sao bớt áp lực mùa thi?
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh Tổng thư ký Hội dinh dưỡng thực Phẩm TP.HCM đang tư vấn cho học sinh tại ngày hội – Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại khu vực tư vấn tâm lý – sức khỏe – nghề nghiệp, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – tổng thư ký Hội dinh dưỡng – thực phẩm TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Trong mùa thi, thường các em sẽ ăn vội, ngủ thiếp đi cũng vì quá vội. Đáng tiếc một số em khi đến kỳ thi thì bệnh. Khi mệt thì các em sẽ ăn không ngon miệng và ăn ít, vậy cần bổ sung bữa phụ, uống bổ sung sữa, ăn thêm trái cây…
Nhiều bạn có quan niệm: ăn đậu sẽ thi đậu, ăn óc bổ óc, ăn trứng sẽ bị điểm 0… Thực tế không phải như vậy, tôi khuyên các em cần dùng thực phẩm phong phú, thay đổi thực phẩm thường xuyên cho đỡ ngán. Đặc biệt phải uống nước đầy đủ.
Tuy nhiên, các em không nên uống nước tăng lực, có thể thấy tỉnh táo nhưng sau đó rất khó ngủ và ngủ không được rất mệt mỏi. Các em cũng nên chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn và uống thức ăn ngoài lề đường rất dễ bị đau bụng, ngộ độc.
Với câu hỏi trong mùa thi cần ngủ bao nhiêu là đủ, BS Minh Hạnh cho rằng: khi mệt tốt nhất là các em nên đi ngủ, không nên để tình trạng người lờ đờ nhưng ráng học tiếp. Quan trọng là chất lượng giấc ngủ: có thể ngủ 6 tiếng nhưng ngủ sâu vẫn tốt.
Đi ngủ và sáng hôm sau dậy sớm: hít thở để đưa oxy vào cơ thể, vận động để máu lưu thông. Đừng ngủ 8 tiếng mà chập chờn. Đặc biệt, sau 4h chiều các em không nên uống cafe và trà, rất mệt mà ko học được.
Tại buổi tư vấn, nhiều học sinh cho biết: các em đang rất căng thẳng và chịu nhiều áp lực của kỳ thi THPT quốc gia, BS Minh Hạnh trấn an: “Các em cần có khoảng lặng để suy nghĩ, hãy tự hỏi mình là ai, thích gì, có khả năng làm được những gì? Trả lời được các câu hỏi đó là giải tỏa được áp lực”.
Xem thêm: Nữ học kỹ thuật ngày càng ‘đắt giá’
Tự học là chính, vậy trường dạy gì?
Lê Hữu Thanh học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh (An Giang) đặt câu hỏi thú vị cho chuyên viên tư vấn khi nghe về ý thức tự học tại trường. Nhân viên tư vấn trường Cao đẳng quốc tế TPHCM trả lời: “Trường dạy kiến thức nền, những công cụ cần thiết cho nghề nhưng để tạo được cái riêng, ưu thế cạnh tranh đòi hỏi SV phải tự nỗ lực đào sâu thực hành, tự thực tập mặc dù trên nguyên tắc chương trình đã đảm bảo 70% thực hành.
Như em muốn học lập trình thì giờ học trên lớp thường diễn ra ở phòng máy. Tuy nhiên, đây là ngành khó, phải yêu thích và khá Toán, em nên chọn công việc phù hợp với mình. Ngoài ra, với chương trình CĐ chất lượng cao, các bạn học với cơ sở vật chất tại chỗ do giảng viên ĐH uy tín đứng lớp hướng dẫn, mở ra cơ hội liên thông dễ dàng lên ĐH”.