Image default

Ngành logistics Việt Nam đối mặt với nhiều lực cản

Ngành logistics là gì?

Ngành logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

Việt Nam đối mặt với nhiều lực cản

2/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đã gặp không ít khó khăn do hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày.

Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), khảo sát gần đây của cơ quan này cho thấy, ngành logistics Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những lực cản lớn như chi phí logistics còn cao so với các nước trong khu vực, hạ tầng giao thông chậm phát triển, chưa tương xứng với lợi thế địa lý, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ và nhất quán, mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp và nguồn nhân lực còn thiếu, yếu.

Song song đó, là những khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của đại dịch như sự mất cân đối cung – cầu, tình trạng thiếu lao động và các điều kiện hoạt động thuận lợi khác.

Khoảng 2/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, họ đã gặp không ít khó khăn do hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày do kiểm soát biên giới, hạn chế thương mại tới các nước có vùng dịch. Thêm nữa, do phía cung cũng chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nên lượng đơn hàng của trên 53% số doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể.

Thống kê dữ liệu xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2021. (Ảnh: Vietnam Report cung cấp) 

Mất cân đối cung – cầu cũng kéo theo tình trạng thiếu hụt container. Số lượng container toàn cầu được tính toán và cung cấp trên số liệu tăng trưởng kinh tế và vòng quay container theo dữ liệu lịch sử (trước khi đại dịch diễn ra). Trong khi đó, lượng cầu vận chuyển hàng hóa tăng thêm do các gói kích thích tiêu dùng của Chính phủ gần đây đã tạo nên áp lực đối với hoạt động vận tải hàng hóa đường biển bằng container khi ngành này chịu ít hơn các thiết chế cấm túc như trong ngành vận chuyển hành khách.

Áp lực này đủ lớn để gây ra những tình trạng chậm trễ hải trình, thay đổi lịch trình theo hướng kéo dài thời gian quay vòng của các tàu container dẫn đến thiếu hụt, bất cân bằng trầm trọng lượng cung thiết bị container cũng như tải trọng trên thế giới.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 và những hệ lụy đi kèm đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đẩy nhiều quốc gia đi vào suy thoái. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế trong thời kỳ đại dịch không ảnh hưởng quá tiêu cực đến ngành logistics toàn cầu và một số dịch vụ logistics khác vẫn tăng trưởng.

Theo số liệu mới nhất vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố, kim ngạch thương mại toàn cầu đạt quy mô kỷ lục 5.600 tỷ USD trong quý III/2021. Con số này càng trở nên ý nghĩa nếu đặt trong bối cảnh quý III/2021 là thời điểm căng thẳng nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu khi các tuyến đường vận tải biển trở nên quá tải, các cảng biển lớn tắc nghẽn, nhiều nền kinh tế như Mỹ và Anh xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tài xế vận tải.

Tính chung cả năm 2021, thương mại toàn cầu bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng 23% so với năm 2020 và 11% so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Đối với ngành logistics Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng ở nhiều nền kinh tế lớn, nhu cầu giao thương tăng mạnh, nước ta với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vẫn duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu tương đối ổn định. Theo số liệu từ Cục Hàng hải, trong 11 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, mặc dù một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch bệnh nhưng tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng rất tích cực, ước đạt hơn 22 triệu TEU, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành logistics do Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2021 cũng cho thấy, 80% số doanh nghiệp đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay so với năm 2020, thậm chí 83% số doanh nghiệp còn ghi nhận tăng trưởng so với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch.

Khi phân tích sâu hơn, Vietnam Report nhận thấy bức tranh kinh tế ngành logistics năm vừa qua có sự phân hóa nhất định. Đầu tiên là sự phân hóa theo quy mô. Việt Nam hiện có khoảng 4.000 – 4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan. Các đợt bùng phát dịch liên tiếp đã bào mòn sức chống chịu của đại bộ phận doanh nghiệp logistics.

Tác động chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ – bộ phận chiếm hơn 90% số doanh nghiệp toàn ngành. Trong khi đó, tác động tiêu cực đối với những doanh nghiệp lớn được hạn chế bớt nhờ vị thế thị trường và nền tảng vốn vững chắc. Không những vậy, sự rút lui của một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp lớn gia tăng thị phần.

Theo đó, đại dịch góp phần đẩy nhanh quá trình phân cực giữa những doanh nghiệp dẫn đầu với nhóm còn lại trong ngành. Tiếp theo là sự phân hóa theo nhóm ngành hoạt động. Theo báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, kết thúc quý III/2021, nhóm hỗ trợ vận tải (giao nhận, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối…) ghi nhận kết quả tích cực hơn hẳn nhóm vận tải hàng hóa và khai thác cảng

Thiếu lao động cũng là một trong những thách thức hàng đầu của gần 54% số doanh nghiệp logistics hiện nay, theo khảo sát của Vietnam Report. Đại dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư với những giai đoạn giãn cách xã hội và phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến cho tình trạng thiếu lao động trở nên nghiêm trọng hơn. Số liệu cho thấy, thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam trở về các địa phương.

Nhiều lao động sau khi về quê không còn muốn trở lên thành phố làm việc, cho dù các nhà máy đã cố tìm cách “giữ chân” bằng mức lương và phúc lợi xã hội tốt hơn.

logistics

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, quy mô nhân sự của gần 40% số doanh nghiệp trong ngành hiện đã giảm so với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch. Trong khi đó, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là giai đoạn mà nhu cầu hàng hóa tăng cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó là sự lúng túng trong việc quản lý và sự không nhất quán trong việc ban hành và thực thi các văn bản, chính sách liên quan đến phòng chống dịch bệnh giữa các địa phương thời gian qua cũng gây ra những cản trở nhất định đối với điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp logistics. Chẳng hạn, các quy định về thời hạn giấy xét nghiệm, tiêm vắc-xin, cơ chế phân luồng…

Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, các chi phí liên quan đến xét nghiệm, hoạt động “ba tại chỗ” cũng tạo áp lực về tài chính, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 17/12, Vietnam Report đã công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2021 nhằm ghi nhận những doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực không ngừng giúp dòng lưu chuyển hàng hóa được thông suốt, giảm thiểu tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp Việt trên đấu trường khu vực và quốc tế.

Bảng xếp hạng được phân theo các nhóm ngành cụ thể. Theo đó, giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4, gồm có:

Công ty cổ phần Gemadept, Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần, Công ty cổ phần Giao nhận Toàn cầu DHL (Việt Nam), Công ty TNHH Expeditors Việt Nam, Công ty cổ phần Transimex, Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong, Công ty TNHH Kuehne + Nagel, Công ty TNHH Schenker Việt Nam, Công ty cổ phần Kho vận miền Nam, Công ty cổ phần Vinafreight.

Xem thêm: TP.HCM làm gì để ngành logistics chuyển mình?

Nhóm ngành vận tải hàng hóa gồm có: Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải Thủy Tân Cảng, Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Vận tải Sản phẩm Khí Quốc tế, Tổng, Công ty Vận tải thủy Petrolimex, Công ty cổ phần Vận tải Nhật Việt, Công ty cổ phần Vinafco, Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco, Công ty cổ phần Vận tải 1 Traco.

Nhóm ngành khai thác cảng có 5 doanh nghiệp được vinh danh, gồm Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.

Tương tự, nhóm ngành chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối gồm có Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần Hợp Nhất Quốc Tế, Công ty cổ phần Thương mại và Chuyển phát nhanh Nội Bài, Công ty cổ phần Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang Futa./.

Xem thêm: Tìm hiểu thêm về ngành kiến trúc.

Bài liên quan

Tuyển sinh hệ liên thông èo uột

khoikythuat

Xét tuyển Đại học theo nhóm: Thí sinh có chọn được trường ưng ý?

khoikythuat

Visa du học Úc 2016 có những thay đổi gì?

khoikythuat