Image default

Ngành Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế chiếm ưu thế

Ngành Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế

Nhiều trường tốp trên thắt chặt chỉ tiêu

Chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục, kế hoạch của Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH lớn giữ ổn định quy mô đào tạo đại học chính quy, tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học. Do vậy, nhiều trường ĐH tốp trên đã tuyên bố năm 2011 không tăng chỉ tiêu mà giữ ổn định như những năm trước, mặc dù có trường dự kiến tăng nhưng chỉ tăng chút ít, không đáng kể.

Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 5.500 chỉ tiêu (CT) ĐH hệ chính quy; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dự kiến là 4.000 CT; Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến 1.000 CT; Học viện Bưu chính – Viễn thông dự kiến hệ ĐH, CĐ là 2.650 CT; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tăng khoảng 200 CT so với năm 2010 với khoảng 4.800 – 5.000 CT bậc ĐH và 800 CT bậc CĐ;

Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển 3.000 CT bậc ĐH chính quy, 300 CT theo nhu cầu xã hội, 300 CT bậc CĐ; Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội dự kiến năm 2011 tăng khoảng 5%, cụ thể, bậc đại học khoảng 4.800 CT và khoảng hơn 4.500 CT các hệ khác; Học viện Ngân hàng, chỉ tiêu năm 2011 không tăng so với năm trước khoảng 2.300 chỉ tiêu hệ ĐH và 1050 hệ CĐ.…

Với những trường trên, chỉ tiêu ít, điểm chuẩn cao nhưng vẫn hút thí sinh vào vì ra trường dễ kiếm việc làm, được xã hội đánh giá cao. Không kể nhóm ngành Kỹ thuật, nhóm ngành Kinh tế từ nhiều năm nay vẫn “hút” thí sinh, khối ĐH hiện nay sinh viên nhóm ngành này là 133.279 sinh viên (chiếm tỷ lệ 28,96%); hệ CĐ có 9.007 sinh viên, chiếm tỷ lệ 47,41% trên tổng số 53.130 sinh viên.

Nhận xét về ngành học “nóng” hiện nay, PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng phân tích: “Lĩnh vực ngành Tài chính – Ngân hàng luôn được xã hội quan tâm, bởi lẽ đây là ngành mà trong những năm vừa qua số lượng tuyển dụng lao động khá lớn do điều kiện về kinh tế xã hội phát triển.

Nguồn nhân lực cho lĩnh vực này thời gian tới sẽ mở rộng không chỉ về mạng lưới mà còn mở rộng cả về nhân lực vì các ngân hàng trong giai đoạn 5 năm tới sẽ phát triển nhiều các dịch vụ mới để cạnh tranh không chỉ các ngân hàng trong nước mà cả các ngân hàng nước ngoài”.

Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Đến nay vẫn chưa có dự báo nào của quốc gia về nhu cầu lao động và số người đăng ký vào học các ngành Kinh tế, Tài chính – ngân hàng giảm. Nếu có thay đổi thì phải chục năm nữa vì những ngành khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật phải chuyển dịch, nếu không sẽ thiếu nhân lực”.

Ngành Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế chiếm ưu thế - 1

 

Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn ngành thi.

Ngành tiềm năng nhưng ít thí sinh

Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đứng sau nhóm ngành Kinh tế là Sư phạm với 17,68% (trên tổng số 460.148 sinh viên đại học), Nông lâm ngư 8,67%, ngành Xã hội nhân văn 7,15%, Khoa học tự nhiên 2,72%, nhóm ngành Y 2,02% và nhóm ngành Nghệ thuật, Thể dục thể thao 1,26%.

Nhóm ngành Nông lâm ngư và Khoa học tự nhiên là 2 nhóm ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều thí sinh lại chưa biết đến những tiềm năng này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa thống kê cả ngành hiện nay mới có gần 50.000 người. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang có sự mất cân đối: Nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2% trên tổng số nhân lực, trong khi nguồn nhân lực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chiếm 1%, địa chất, khoáng sản chiếm 1,8%…

Với tình hình thực tế hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành Tài nguyên và môi trường để bổ sung lực lượng công chức, viên chức đang công tác trong đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 lên đến 4,5 vạn người.

Với sự phát triển khoa học công nghệ ngành Tài nguyên và Môi trường, thời gian tới tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới…

Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cũng cho biết, một số ngành học như Công nghệ Biển, Khoa học Vật liệu, Khí tượng Thủy văn… là những ngành học đang trong tình trạng có nhu cầu xã hội cao nhưng khó tuyển sinh vì hiện nay nhiều sinh viên chưa biết.

Dự kiến trong năm 2011, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ tạm dừng tuyển sinh với một số ngành học khó tuyển sinh để điều chỉnh và tìm hiểu thêm về nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành dễ tuyển, có nhu cầu xã hội cao.

Một số ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh nhưng là nhiệm vụ chiến lược, có vai trò quan trọng trong phát triển nhân lực của đất nước, ĐHQGHN sẽ linh động trong áp dụng điểm sàn để thu hút thí sinh đăng ký.

Theo tuyên bố của Bộ GD-ĐT, tuyển sinh 2011 Bộ sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường thành lập trước năm 2010 nhưng chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập. Do vậy, dự kiến tuyển sinh 2011, nhiều trường ĐH sẽ bị Bộ cắt giảm chỉ tiêu.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm 2011 sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về tuyển sinh và tham khảo rộng rãi ý kiến của các trường, Sở GD-ĐT và trong toàn xã hội để xác định phương thức tuyển sinh hợp lý cho những năm sắp tới.

Xem thêm: Lương giảng viên ngành Kỹ thuật công nghệ cao nhất

Xem thêm: Ngành kỹ thuật địa chất ra trường làm gì?

Nguồn: Tổng hợp từ Internet

Hồng Hạnh

Bài liên quan

Phát triển ngành logistics tại Việt Nam

khoikythuat

Tìm hiểu ngành nghề: Vật lý kỹ thuật (Mã XT: 7520401)

khoikythuat

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM- 1 số phương pháp tuyển sinh ngành mới vật lý y khoa

khoikythuat