Ngành Kiến trúc học những gì?
Định nghĩa một cách đơn giản, Kiến trúc là ngành học có vai trò thiết kế nên các công trình phục vụ cho đời sống sinh hoạt của mọi người. Đây là ngành học liên quan đến sự an toàn của con người nên bạn nên chuẩn bị tinh thần sẽ phải phấn đấu trong một thời gian rất dài, ít nhất là 5 năm học và 2 năm làm nghề thì mới được công nhận là kiến trúc sư chính thức.
Tương tự như các ngành học khác, năm đầu tiên của Kiến trúc sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức nền tảng như lịch sử, công nghệ, luật xây dựng, lý thuyết sơ lược và kỹ năng phân tích lẫn tính toán. Bắt đầu từ năm hai thì bạn sẽ được học chuyên ngành tùy vào lựa chọn cá nhân và bắt đầu biết triển khai ý tưởng thành một bản dựng 3D hoàn chỉnh trên mặt giấy hoặc máy tính. Bạn sẽ được học thêm cách sử dụng vô số phần mềm thiết kế để phục vụ cho công việc. Một số môn học trong ngành Kiến trúc bạn có thể tham khảo là:
- Thiết kế kiến trúc
- Hệ thống môi trường
- Lịch sử kiến trúc
- Kỹ thuật và khoa học xây dựng
- Toán kiến trúc
Sau khi kết thúc chương trình học, bạn không những có kỹ năng thiết kế công trình mà còn được trang bị các kỹ năng khác như lập kế hoạch thi công, dự trù ngân sách, quản lý nguồn đầu tư, thương thảo với nhà thầu hay giám sát an toàn lao động ở công trình. Với vốn kỹ năng đa dạng, bạn sẽ có nhiều hướng phát triển sự nghiệp chứ không chỉ có mỗi lựa chọn trở thành kiến trúc sư.
Cần có tố chất gì để học Kiến trúc?
Giỏi Toán và Lý
Xây nhà đòi hỏi bạn phải đo đạc, tính toán và lựa chọn chất liệu phù hợp nên giỏi hai bộ môn Toán và Lý là điều bắt buộc. Nếu bạn nhận thấy bản thân có niềm yêu thích với hai môn này và sở hữu điểm số khả quan ở cấp ba thì hãy mạnh dạn theo đuổi ngành học Kiến trúc.
Gu thẩm mỹ tốt
Các công trình không chỉ cần an toàn, vững vàng mà còn phải đẹp mắt nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị nên người học ngành Kiến trúc cần phải trau dồi mắt thẩm mỹ của bản thân. Điều này thì bạn có thể chủ động bổ sung bằng cách tham gia những lớp vẽ ngay từ cấp ba, vừa có thể giúp bạn nâng cao gu thẩm mỹ vừa góp phần cải thiện năng lực vẽ tay vốn cũng rất hữu ích trong lĩnh vực kiến trúc.
Một số trường đại học có thể sẽ yêu cầu bạn nộp portfolio các tác phẩm vẽ trong vòng tuyển sinh nên học vẽ là một khoản đầu tư khôn ngoan để theo đuổi ngành Kiến trúc.
Sáng tạo
Không cần giải thích dông dài thì ai cũng có thể hiểu Kiến trúc là lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo cao để có thể làm nên những công trình độc đáo nhưng vẫn thiết thực. Cách đơn giản để xác định bạn có phải là một người sáng tạo là tự kiểm tra xem bản thân có thói quen tìm tòi các phương án mới để giải quyết vấn đề không. Đó có thể là cách giải Toán khác với bạn bè nhưng đáp án vẫn đúng.
Đó có thể là hướng phân tích tác phẩm văn học độc đáo nhưng hoàn toàn thuyết phục. Hay chỉ đơn giản là luôn cố gắng thay đổi trong cách nói chuyện một cách linh hoạt để luôn là một người thú vị. Chỉ cần bạn cố gắng trau dồi và đổi mới ở một khía cạnh nào đó thì bạn đã có tố chất sáng tạo trong người.
Kiến trúc có những chuyên ngành gì?
Kỹ sư công trình
Chuyên ngành này sẽ ít tập trung vào phần thiết kế và nghệ thuật mà sẽ chú trọng vào khía cạnh tính toán và kỹ thuật của công trình. Hay nói cách khác, kỹ sư công trình đặt nặng tính ứng dụng hơn nên thường có trách nhiệm đảm bảo công trình phải bền vững qua thời gian và hệ thống điện, thông khí hay làm mát phải hoạt động trơn tru. Vì không quá đề cao tính thẩm mỹ nên kỹ sư công trình thường làm việc cho các dự án không đòi hỏi tính độc đáo mà yêu cầu tính ứng dụng cao như cầu đường hay kênh rạch.
Thiết kế kiến trúc
Ngược lại với Kỹ sư công trình, Thiết kế kiến trúc lại tập trung hơn vào phần sáng tạo của công trình. Tất nhiên sự sáng tạo này vẫn phải đảm bảo tạo được không gian an toàn cho con người sinh sống và lao động. Chuyên ngành này sẽ cho bạn nhiều cơ hội để thỏa sức sáng tạo, kể cả những ý tưởng điên rồ nhất.
Thiết kế nội thất
Đúng như tên gọi, trong chuyên ngành Thiết kế nội thất bạn sẽ học cách sử dụng ánh sáng, chất liệu, màu sắc, kiểu dáng và nhiều yếu tố khác để tạo nên không gian bắt mắt và dễ chịu ở bên trong công trình. Mỗi dự án chắc chắn sẽ có yêu cầu khác nhau về phong cách bày trí nên bạn sẽ được học hết mọi cách thức đặt để các yếu tố nhằm tạo nên không khí phù hợp với từng nơi.
Thiết kế cảnh quan
Chuyên ngành này dành cho những ai có niềm yêu thích với thiên nhiên, cây cỏ hay các không gian ngoài trời như công viên hay phố đi bộ.
Vì loại hình công trình này được sử dụng bởi nhiều người ở ngoài trời nên định hướng thiết kế sẽ có nhiều điểm khác biệt so với những dự án nhà ở cá nhân hay trung tâm thương mại. Thiết kế cảnh quan sẽ có sự phối hợp mật thiết với các lĩnh vực khác như nông lâm để đưa ra giải pháp về cây trồng, kỹ sư hệ thống lo liệu vấn đề cấp thoát nước hay thậm chí là điêu khắc để trang trí cho cảnh sắc thêm phần sinh động.
Quy hoạch đô thị
Quy hoạch đô thị có vai trò kiểm soát toàn bộ kiến trúc của một khu vực hay lãnh thổ nhất định để không chỉ mỗi công trình riêng lẻ đẹp mắt mà nhìn tổng thể từ trên cao cũng phải mang tính thẩm mỹ. Các công trình cũng phải đạt tiêu chí không gây ảnh hưởng hoặc cản trở qua lại lẫn nhau mà phải hòa hợp trong hệ sinh thái chung. Xét về phạm vi ảnh hưởng thì Quy hoạch đô thị có lẽ là chuyên ngành bao trọn toàn bộ những cái tên phía trên.
Có thể học Kiến trúc ở đâu?
Ở Việt Nam, bạn có thể cân nhắc chọn học tại những trường đại học uy tín như Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc TP. HCM, Đại học Khoa học Huế hay Đại học Văn Lang. Nếu có mong muốn du học ngành Kiến trúc để mở mang tầm mắt thì bạn có thể tham khảo những trường đại học sau:
Mỹ:
- University of Minnesota, Twin Cities Campus
- University of Wisconsin-Milwaukee
- University of Hartford
- Valencia College
- Alamo Colleges District
- University of Kentucky
Anh:
- University of Portsmouth
- University of Reading
- University of Westminster, London
- University of Glasgow
- SOAS University of London
Canada:
- George Brown College
- Carleton University
- Conestoga College
- Southern Alberta Institute of Technology
- Northern Alberta Institute of Technology
New Zealand:
- Victoria University of Wellington
- Auckland University of Technology
- University of Auckland
- University of Canterbury
- Unitec Institute of Technology
Trong trường hợp bạn cảm thấy khó khăn trong việc chọn trường đại học phù hợp để du học ngành Kiến trúc thì có thể liên hệ trung tâm IDP để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Cơ hội nghề nghiệp sau khi học Kiến trúc
Sau tốt nghiệp bạn có thể chọn đầu quân vào các công ty xây dựng để làm việc toàn thời gian hay đi theo hướng tự do chỉ cộng tác theo từng dự án cụ thể. Mỗi dự án đều có độ khó và sự khác biệt nhất định nên công việc sẽ không nhàm chán nhưng bạn cần lưu ý là môi trường làm việc của mình chỉ diễn ra chủ yếu ở văn phòng hoặc công trường.
Nếu bạn làm việc tại những công ty nhỏ thì có thể sẽ phải kiêm thêm một số đầu việc khác ngoài chuyên môn như quản lý ngân sách cho khách hàng, thuê nhà thầu xây dựng và giám sát dự án. Để có thể tập trung chuyên môn thì bạn nên chọn phát triển sự nghiệp ở các công ty có quy mô lớn.
Dựa vào các chuyên ngành kể trên, bạn cũng có thể thấy nhiều lựa chọn nghề nghiệp mà ngành học này mang lại. Với lượng kiến thức và kỹ năng được rèn luyện trong quá trình học, bạn thậm chí còn có thể làm các công việc vượt ra khỏi giới hạn của ngành như thiết kế đồ họa, thiết kế cảnh quay cho phim, bày trí sân khấu hay trở thành phóng viên chuyên ngành kiến trúc cho một tờ báo chính thống.
Dù chọn con đường nào đi chăng nữa thì bạn càng có nhiều kinh nghiệm cũng như thành tựu trong nghề thì thu nhập sẽ càng hậu hĩnh