Nhiều bạn trẻ sau khi ra trường luôn suy nghĩ, thắc mắc nhiều về “khởi nghiệp” và làm thế nào để khởi nghiệp…
Ngành logistics hiện nay có thu nhập lương cao và vẫn luôn thiếu nguồn nhân lực
http://vneconomy.vn/tim-kiem-tac-gia/xuan-nghi.htm
25/03/2019 09:22
Sáng ngày 23/3/2019, đông đảo bạn trẻ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Tp.HCM, đã tham dự buổi tọa đàm “Khởi nghiệp cùng logistics” được tổ chức tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU). Tọa đàm do Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương tổ chức, phối hợp với Mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam.
Đây là dịp để sinh viên các trường giao lưu, trò chuyện cùng các diễn giả là những người sáng lập hoặc điều hành các doanh nghiệp logistics, chuỗi cung ứng.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm đã chia sẻ cởi mở về các băn khoăn, thắc mắc của các bạn sinh viên trong việc quản trị nhân lực, vai trò của công nghệ, con người cũng như các khó khăn, thách thức khi lập nghiệp, khởi nghiệp, những câu chuyện khởi nghiệp thú vị từ kinh nghiệm và bài học trong khởi nghiệp với những kiến thức, thông tin, kỹ năng bổ ích, lý thú cho các sinh viên.
Nhà quản trị doanh nghiệp, chuyên gia đã khơi dậy niềm đam mê đối với nghề logistics là một nghề còn khá mới mẻ đối với sinh viên, giúp các bạn trẻ nhận thấy rõ hơn những cơ hội cũng như thử thách khi lựa chọn nghề này, đem đến cho các bạn những bài học, kinh nghiệm của người đi trước để có thể chuẩn bị hành trang tốt nhất cho mình khi lựa chọn nghề nghiệp.
Logistics và quản trị chuỗi cung ứng (SCM) đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Nó giúp nhà sản xuất nắm bắt được kịp thời và chính xác các nhu cầu của khách hàng, thúc đẩy dòng lưu thông hàng hoá, dòng tiền và thông tin từ nhà cung cấp, nhà máy sản xuất, nhà vận tải, kho bãi qua các kênh phân phối sỉ, phân phối lẻ đến tay người tiêu dùng cuối được thông suốt hơn, giúp giảm thiểu chi phí, thỏa mãn nhu cầu khách hàng và nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại tọa đàm, Hiệu trưởng HIU Hồ Thanh Phong nói với các sinh viên: “Thời buổi ngày nay, vấn đề của sinh viên ra trường không phải là tìm việc mà là tạo việc. Các bạn cần phải tạo ra việc làm cho chính mình”.
Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, cùng với việc lồng ghép các câu chuyện về khởi nghiệp thành công của nhiều trường hợp mà bà có dịp trải nghiệm, đã khuyến cáo các sinh viên cần phải có một thái độ sống tích cực và luôn biết tìm kiếm cơ hội. “Hãy kết nối vào các nhóm khởi nghiệp. Hãy biết sống liên kết, tạo các liên kết và đặc biệt, cần phải có “cái mũi ngửi ra tiền”, bà Hạnh đưa ra lời khuyên.
Trả lời câu hỏi của sinh viên về vai trò của công nghệ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0, ông Vũ Đức Thịnh, CEO Lazada Express chia sẻ, hiện nay, mỗi ngày có đến hàng trăm ngàn đơn hàng (tương lai có thể lên đến hàng triệu đơn hàng/ngày) đối với nhiều công ty kinh doanh qua mạng thương mại điện tử. Nếu làm thủ công theo kiểu truyền thống thì không thể giải quyết cùng một lúc các đơn hàng khổng lồ như vậy; đó là chưa kể sẽ tạo nên tình trạng hỗn loạn và “vỡ trận”. Cho nên chỉ có thể áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng công cụ công nghệ để quản lý các đơn hàng, bao gồm cả việc xuất nhập khẩu.
Một số sinh viên nêu thắc mắc về thu nhập của ngành logistics, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept cho biết, về mức lương nói chung, ngành logistics hiện nay có thu nhập lương cao và vẫn luôn thiếu nguồn nhân lực, chứ không phải “lương bèo” như nhiều người lầm tưởng.
Ông cho hay: “Vấn đề của ngành logistics hiện nay là các doanh nghiệp luôn tìm cách ‘giữ chân’ người lao động, ngăn chặn sự chảy máu nhân lực. Khi các doanh nghiệp làm tốt việc này, họ sẽ tính đến ‘ộ trình tăng lương’. Cho nên luôn xảy ra một cuộc chiến giành nhân lực giữa các công ty với nhau”.
Nhiều bạn trẻ sau khi ra trường luôn suy nghĩ, thắc mắc nhiều về “khởi nghiệp” và làm thế nào để khởi nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Bình lưu ý các sinh viên: “Không nên chạy theo trào lưu khởi nghiệp mà xã hội đang kêu gọi trong khi chưa biết mình muốn gì, thích gì, sẽ làm được gì. Sau khi ra trường, các bạn có rất nhiều cơ hội nhưng hãy bắt đầu bằng việc ‘lập nghiệp’ một cách bình thường như bao người trẻ khác. Khi đã chín muồi suy nghĩ bao gồm cả ý tưởng mới, hãy tính đến khởi nghiệp. Khởi nghiệp phải có ý tưởng sáng tạo và phải khác người khác”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đã khởi nghiệp thì đừng sợ thất bại. Bởi thất bại khiến người ta trưởng thành hơn và thành công nhiều hơn. Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Giám đốc Cảng Long An nhấn mạnh như vậy, và nói thêm: “Trong hành trình 20 năm trong nghành logistics của tôi, đã trải qua 3 lần khởi nghiệp. Ba lần với 3 ‘sắc thái logistics’ khác nhau. Đó là sự phản ảnh sức khỏe từng giai đoạn của nền kinh tế. Nói cách khác, logistics là chiếc hàn thử biểu đo thân nhiệt nền kinh tế. Các bạn trẻ, hãy mạnh dạn khởi nghiệp”.
Source: https://khoinganhkythuat.com
Category: Ngành tuyển sinh