Priyanka Dhopade – Ảnh: BBC
Priyanka Dhopade được Hiệp hội kỹ thuật dành cho phụ nữ vinh danh là một trong 50 phụ nữ hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật dưới 35 tuổi ở Anh trong năm 2017, còn Gladys Ngetich đến Oxford nhờ được học bổng Rhodes và hiện đang lấy bằng tiến sĩ.
Priyanka Dhopade: kỹ thuật là nghề thú vị
Priyanka Dhopade lớn lên ở một quốc gia Nam Á, di cư tới Canada và lấy được tấm bằng ngành kỹ thuật không gian vũ trụ ở đây. Sau đó, cô hoàn tất chương trình tiến sĩ tại đại học UNSW Canberra (Úc), trước khi chuyển tới Oxford vào năm 2013.
Cô chia sẻ: khi còn bé, tôi rất quan tâm tới máy bay và làm thế nào mọi vật bay được trong không gian. Tôi muốn là một phi hành gia.
Tôi nghiên cứu những vấn đề về nhiệt động lực học và động lực học chất lưu của các dòng chảy bên trong động cơ phản lực. Tôi dùng máy tính nhiều cho việc này để xem xét sự chuyển đổi của nhiệt bên trong một động cơ và dùng các dự báo đó để giúp thiết kế những hệ thống làm lạnh sáng tạo cho các động cơ phản lực hiện đại.
Điều đó cũng giúp làm cho động cơ hiệu quả và an toàn hơn, đồng thời giảm tác động về mặt môi trường ở khía cạnh khí thải và tiêu thụ nhiên liệu. Nếu chúng ta giúp làm cho các động cơ phản lực hiệu quả hơn thì điều đó sẽ có một tác động khổng lồ về mặt môi trường.
Mọi người thường nghĩ công việc của tôi chán lắm, và tôi không nói chuyện với ai. Thật sự không phải vậy. Tôi trò chuyện với nhiều người làm công tác thí nghiệm và làm việc với họ để thiết kế các cơ sở thử nghiệm khổng lồ. Tôi làm việc với nhà tài trợ và tiếp nhận thông tin của họ về những vấn đề thật sự mà họ đang đối mặt…
Thỉnh thoảng tôi nhìn xung quanh và thấy rằng mình là người phụ nữ duy nhất trong phòng với khoảng 30-40 người đàn ông, và tôi thấy điều đó hơi lạ. Tôi cũng thật sự buồn khi thấy không có nhiều phụ nữ trong nghề này.
Tôi nghĩ có quá nhiều vấn đề cần được giải quyết và chúng khá đa dạng, vì thế các giải pháp cũng cần phải đa dạng.
Chúng ta cần làm cho phụ huynh và giáo viên ý thức được rằng kỹ thuật là một sự chọn lựa nghề nghiệp thành công, thú vị, và mang lại phần thưởng xứng đáng.
Làm được điều này, chúng ta sẽ làm tăng đáng kể nguồn nữ sinh theo học, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải nỗ lực để cải thiện môi trường làm việc khi họ trở thành kỹ sư.
Gladys Ngetich – Ảnh: GLADYS NGETICH
Gladys Ngetich: đạt được nhiều điều với ngành kỹ thuật
Gladys Ngetich lớn lên ở Kenya và học ngành kỹ thuật ở đó. Cô đến Oxford nhờ được học bổng Rhodes và hiện đang lấy bằng tiến sĩ.
Cha cô là một kỹ sư ở Kenya. Trong suốt những ngày nghỉ, ông thường trở về nhà với chiếc cờ lê và các dụng cụ khác để sửa mọi thứ quanh nhà. “Tôi nghĩ mình đã được “giới thiệu” với môi trường kỹ thuật ngay từ khi còn rất nhỏ”, cô chia sẻ.
“Tôi đang tìm cách cải thiện hoặc phát minh ra những công nghệ làm lạnh tiên tiến hiệu quả cho các động cơ phản lực. Chúng tôi đang nộp hồ sơ xin bằng sáng chế. Đó thật sự là một trong những giấc mơ của tôi.
Tôi ước được làm việc và tạo ra một điều gì đó quan trọng, được sử dụng trên thế giới, làm cho chuyện đi lại xuyên lục địa an toàn và hiệu quả để chúng ta dùng ít nhiên liệu hơn, ít xả ra khí thải hơn, và nói chung là giúp ích cho mọi người trên khắp hành tinh.
Xem thêm: Tôi làm ‘công chúa điện tử’
Không gian vũ trụ là ngành nam giới chiếm đa số. Với cá nhân tôi, đó không phải là một vấn đề lớn vì tôi được sinh ra sau bốn người anh và hầu hết thời niên thiếu của tôi là chơi đùa với con trai.
Tôi đã có những hình mẫu suốt những năm đi học – từ các trường phổ thông cho tới đại học và giờ là ở Oxford. Tôi nghĩ hình mẫu lớn nhất của mình là người giám sát của tôi. Ông ấy đã giúp tôi viết một bài báo khoa học và xin bằng sáng chế.
Tôi cảm thấy mình đã đạt được nhiều thứ hơn mong đợi. Trong 5 năm tới, tôi không chắc mình sẽ ở đâu, nhưng sẽ hoặc là ở trong ngành kỹ thuật, có thể là tại Oxford, hoặc là sẽ giảng dạy”.
Theo Hiệp hội kỹ thuật dành cho phụ nữ, tỉ lệ nữ kỹ sư ở Latvia, Bulgaria và Cyprus so với nam là gần 30%, cao nhất châu Âu. Anh là nơi có tỉ lệ này thấp nhất, chưa tới 10%.
Xem thêm: Top các trường đào tạo ngành kĩ thuật phần mềm tốt nhất